Đầu tư chứng khoán căn bản (C7) - Đọc hiểu báo cáo tài chính Doanh nghiệp

22:46:24 PM 22/03/2022

1. Báo cáo tài chính là gì?

- Báo cáo tài chính (BCTC) là bản báo cáo cung cấp thông tin về hoạt động tài chính của doanh nghiệp theo mỗi quý, năm như: tài sản, nợ, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền ..

- Bộ báo cáo tài chính hoàn chỉnh bao gồm:

  • Báo cáo của Ban giám đốc
  • Báo cáo của Công ty kiểm toán độc lập
  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Thuyết minh báo cáo tài chính

2. Tại sao cần đọc ý kiến của kiểm toán viên

- Ý kiến của kiểm toán viên cho biết về tính trung thực và hợp lý của BCTC

- Có 4 mức độ:

  • Chấp nhận toàn phần:
  • Ngoại trừ.
  • Không chấp nhận.
  • Từ chối.

3. Bảng cân đối kế toán

- BCĐKT làBáo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định

- Kết cấu của Bảng cân đối sẽ gồm 2 phần là Tài sản và Nguồn vốn

- Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

  • Tài sản là những thứ thuộc sở hữu của doanh nghiệp, có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, bao gồm: Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn.
  • Nợ phải trả (account payable) là số tiền nợ các cá nhân hay công ty khác, khi họ đã bán hàng hóa, dịch vụ, nguyên liệu cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chưa thanh toán vì đã mua chúng dưới hình thức tín dụng thương mại
  • Vốn chủ sở hữu (Owner’s Equity) là các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong các công ty cổ phần

3. 1 Tài sản ngắn hạn

- Là những loại tài sản có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng dưới 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh.

- Bao gồm các mục chính như:

  • Tiền và tương đương tiền: gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Đây là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất của doanh nghiệp. Khoản mục này cũng là một trong số ít khoản mục ít bị tác động bởi kế toán.
  • Các khoản phải thu: là số tiền mà khách hàng chưa thanh toán (còn nợ) cho doanh nghiệp.
  • Hàng tồn kho: Là giá trị hàng dự trữ của doanh nghiệp. Đó có thể là: nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm hoặc hàng hóa…

3.2 Tài sản dài hạn

- Tài sản dài hạn là những tài sản sẽ có thời gian sử dụng trên 1 năm.

- Trong đó, tài sản cố định là khoản mục quan trọng, bao gồm:

  • Tài sản hữu hình (như máy móc thiết bị, nhà xưởng, máy tính…)
  • Tài sản vô hình (như bằng sáng chế, bản quyền phát minh…)

3.3 Nợ phải trả

- Nợ phải trả thể hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với bên ngoài. Ví dụ như: chủ nợ, nhà nước, nhà cung cấp, người lao động… gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

  • Nợ ngắn hạn là những khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính phải thanh toán dưới 1 năm.
  • Nợ dài hạn là những khoản nợ và nghĩa vụ tài chính được phép thanh toán trên 1 năm.

- Các khoản mục chính ở phần này bao gồm:

  • Phải trả người bán: Thể hiện số tiền mà doanh nghiệp chưa thanh toán (còn nợ) cho nhà cung cấp.
  • Thuế và các khoản phải nộp nhà nước, Phải trả người lao động…: Tương tự, đây là khoản phải trả của doanh nghiệp đối với nhà nước (về thuế GTGT, thuế TNDN…), phải trả cho người lao động.
  • Vay và nợ ngắn hạn/dài hạn: Là khoản tiền vay nợ tín dụng. Nếu như các khoản nợ trên là nợ chiếm dụng (doanh nghiệp không mất chi phí sử dụng vốn), thì với khoản vay này doanh nghiệp phải trả chi phí sử dụng vốn (trả lãi vay cho ngân hàng).

3.4 Vốn chủ sở hữu

- Vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp và các thành viên trong công ty liên doanh hoặc các cổ đông trong các công ty cổ phần, bao gồm:

  • Vốn góp chủ sở hữu: hay vốn cổ phần, là số vốn thực tế được góp vào doanh nghiệp.
  • Lợi nhuận chưa phân phối: Nếu trong năm tài chính, doanh nghiệp quyết định tái đầu tư thì phần lợi nhuận giữ lại sẽ được chuyển từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vào tài khoản này.
  • Ngoài ra có các loại quỹ như Quỹ đầu tư phát triển,…

3.5 Cách đọc bảng cân đối kế toán

  • B1: Liệt kê những mục lớn trong Tài sản – Nguồn vốn.
  • B2: Tính toán tỷ trọng các khoản mục này trong Tài sản và Nguồn vốn, và sự thay đổi của các khoản mục tại thời điểm báo cáo.
  • B3: Note lại những mục chiếm tỷ trọng lớn, hoặc có sự biến động lớn.
  • B4: Đối chiếu với thuyết minh báo cáo tài chính
  • B5: Phân tích đánh giá tính hợp lý và nhận diện các rủi ro tiềm ẩn

4. Báo cáo hoạt động kinh doanh

- Báo cáo KQKD là báo cáo tổng kết tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo, Hoạt động kinh doanh chính (hoạt động cốt lõi), hoạt động tài chính và hoạt động khác.

- Công thức cơ bản: Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí

4.1 Hoạt động kinh doanh chính

  • Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ: Đây là doanh thu từ hoạt động kinh doanh “nòng cốt” của doanh nghiệp (sau khi trừ các Khoản giảm trừ doanh thu). Thông thường, đây là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu.
  • Giá vốn hàng bán: Thể hiện tất cả chi phí để làm ra hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp.
  • Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán
  • Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp 

4.2 Hoạt động tài chính

- Doanh thu tài chính: lãi tiền gửi, lãi từ nhận đầu tư, lãi chênh lệch tỷ giá…

- Chi phí tài chính: chi phí lãi vay, lỗ chênh lệch tỷ giá, dự phòng các khoản đầu tư tài chính,…

- Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = Lợi nhuận gộp + Doanh thu TC – Chi phí TC – Chi phí BH, QLDN

4.3 Hoạt động khác

- Những gì không nằm trong hoạt động kinh doanh chính và hoạt động tài chính thì sẽ nằm ở hoạt động khác. Thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh doanh của doanh nghiệp gồm:

  • Thu nhập khác: có nguồn từ lãi thanh lý, nhượng bán tài sản hay được bồi thường hợp đồng…
  • Chi phí khác: Trái ngược với thu nhập khác, chi phí khác sẽ có nguồn từ lỗ thanh lý, nhượng bán tài sản, phải bồi thường vi phạm hợp đồng…
  • Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác

- Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Lợi nhuận khác

4.4 Cách đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

  • B1: Liệt kê những mục lớn.
  • B2: Tách riêng Doanh thu và chi phí
  • B3: Tính toán tỷ trọng của từng doanh thu, chi phí, sự biến đổi so với cùng kỳ.
  • B4: Note lại những mục chiếm tỷ trọng lớn, hoặc có sự biến động lớn.
  • B5: Đối chiếu với thuyết minh báo cáo tài chính
  • B6: Phân tích đánh giá tính hiệu quả và triển vọng kinh doanh.

5. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ gồm 3 phần

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: là dòng tiền phát sinh trong quá trình thanh toán cho nhà cung cấp, khách hàng, cho người lao động, chi trả lãi vay, và nộp các khoản thuế cho nhà nước… Đây là lượng tiền mặt mà bản thân doanh nghiệp làm ra, chứ không phải từ việc huy động thêm vốn đầu tư hay vay nợ.
  • Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh lý… tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.
  • Dòng tiền từ hoạt động tài chính sẽ liên quan đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu (nhận vốn góp mới, thu từ phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông…) và vay nợ (chi trả nợ gốc vay, hay vay nợ mới nhận được…)

- Dòng tiền được thể hiện như thế nào

  • Dòng tiền ra là con số âm: thể hiện bởi các từ như “tiền chi để …”, “… đã trả”
  • Dòng tiền vào là con số dương: thể hiện bởi các từ như “tiền thu từ…”, “… nhận được”

6. Thuyết minh báo cáo tài chính

- Thuyết minh BCTC cung cấp thông tin chi tiết hoặc giải trình về các thông tin số liệu đã trình bày ở các Bảng CĐKT, Báo cáo KQKD, Báo cáo LCTT, các thông tin cần thiết khác theo chuẩn mực kế toán cụ thể.

- Thuyết minh BCTC sẽ bao gồm những nội dung:

  • Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp;
  • Kỳ kế toán và đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán;
  • Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán áp dụng;
  • Các chính sách kế toán áp dụng;
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán;
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Báo cáo KQKD;
  • Thông tin bổ sung cho các khoản mục trên Lưu chuyển tiền tệ.
SHARE