Lạm phát ảnh hưởng đến các kênh đầu tư như thế nào?

07:57:05 AM 15/03/2022

Lạm phát leo thang bào mòn thu nhập và sức mua của người tiêu dùng,làm suy giảm hiệu quả các chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến quyết định triển khai hoặc duy trì các gói kích thích kinh tế. Lạm phát trong thời điểm hiện nay đang là bài toán đau đầu đối với Chính phủ nhiều nước trên thế giới, cùng với đó cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động đầu tư.

 

Lạm phát làm giải sức hấp dẫn của các kênh đầu tư dòng tiền cố định.

Lạm phát phi mã trước hết sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên kênh tiền gửi ngân hàng, khi làm thu hẹp biên độ lãi suất thực của người gửi tiền. Với lãi suất tiền gửi đã duy trì xu hướng liên tục đi xuống trong hơn 10 năm, đặc biệt giảm rất mạnh trong 2 năm trở lại đây do tình hình đại dịch COVID 19, suất sinh lời đối với kênh tiền gửi hiện nay đã sụt giảm nghiêm trọng so với các kênh đầu tư khác. 

Nay nếu lạm phát tăng tốc trở lại sẽ càng khiến người gửi tiền phải xem xét lại kênh đầu tư này, ảnh hưởng lên hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, vốn tốc độ tăng đã chậm lại trong những năm gần đây. Hệ quả là các nhà băng có thể buộc phải tăng dần lãi suất huy động vốn theo xu hướng đi lên của lạm phát, nhằm giữ chân khách hàng gửi tiền và giữ vững số dư huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản. Thực tế cho thấy xu hướng lãi suất dường như đã bắt đầu có dấu hiệu đi lên trở lại từ cuối năm 2021 đến nay. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến lãi suất cho vay tăng lên, khiến cho các Doanh nghiệp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn, đồng thời còn làm giảm sức tiêu dùng của người dân, khiến cho các Doanh nghiệp càng trở nên khó khăn hơn.

Rõ ràng khi lạm phát tăng nhanh có thể đẩy nền kinh tế đối mặt với những rủi ro và bất ổn, ảnh hưởng lên hiệu quả của chính sách tiền tệ lẫn tài khóa, nhưng kênh đầu tư có tính trú ẩn an toàn như gửi tiết kiệm ngân hàng lại khó có thể thu hút dòng tiền trong hoàn cảnh này, nếu lãi suất không tăng theo kịp xu hướng lạm phát kỳ vọng. 

Trong khi đó, các kênh đầu tư có thu nhập cố định khác như trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ chịu tác động tiêu cực. Thứ nhất, xu hướng lạm phát tăng sẽ khiến các chứng khoán có lãi suất cố định này không còn mấy hấp dẫn với các nhà đầu tư, khiến cầu trái phiếu sụt giảm. Ngoài ra, trong bối cảnh các ngân hàng khó huy động vốn hơn vì lạm phát tăng, cũng như chi phí vốn đầu vào gia tăng, lực mua trái phiếu từ các ngân hàng - vốn là nhà đầu tư lớn trên thị trường trái phiếu trong những năm qua, cũng sẽ bị suy giảm đáng kể.

Thứ hai, nếu muốn phát hành thành công, các chủ thể này buộc phải chấp nhận lãi suất phát hành đủ cao để thu hút người mua. Tuy nhiên, lãi suất phát hành cao cũng sẽ làm tăng áp lực trả nợ, do đó các nhà phát hành từ Chính phủ cho đến doanh nghiệp cũng sẽ giảm động lực và số lượng trái phiếu chào bán. Còn đối với những doanh nghiệp vẫn chấp nhận phát hành với mức lãi suất cao bằng mọi giá để huy động vốn, cho thấy thực trạng tài chính, tình hình thanh khoản doanh nghiệp có thể đang gặp vấn đề, khi đó trái chủ có thể gánh phải rủi ro trong tương lai.

 

Tác động của lạm phát đến thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản luôn là kênh đầu tư thường sử dụng đòn bẫy vay nợ rất lớn, từ các doanh nghiệp bất động sản triển khai những dự án khổng lồ cho đến những nhà đầu tư cá nhân lướt sóng đầu cơ hoặc mua để ở hay cho thuê. Quá khứ từng cho thấy thị trường nhà đất luôn bị ảnh hưởng tiêu cực trong mỗi chu kỳ lãi suất đi lên trở lại, với giai đoạn đầu thường có hiện tượng bán tháo khi nhiều nhà đầu tư vì không chịu nổi áp lực trả nợ vay tăng lên nên phải bán cắt lỗ nhanh, rồi sau đó thị trường sẽ rơi vào giai đoạn trầm lắng, đóng băng trong suốt thời gian dài.

Lạm phát tăng nhanh cũng có thể khiến Chính phủ e ngại tính bất ổn gia tăng, dẫn đến làm chậm lại việc triển khai các gói kích thích kinh tế, khi đó các dự án đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng sẽ bị ảnh hưởng tiến độ. Hệ quả là giá cả của những dự án bất động sản, nhà đất tại các khu vực trước đây được đánh giá hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo là điều tất yếu.

Ở chiều ngược lại, lạm phát tăng lên cũng sẽ tạo tâm lý mất niềm tin vào tiền mặt, nhà đầu tư có khuynh hướng sẽ đầu tư vào các kênh tài sản như vàng, bất động sản .. một mặt nào đó lại làm cho giá đất tăng lên.

 

Tác động của lạm phát đến thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán luôn có sự phân hoá khi có những diễn biến bất thường từ các yếu tố vĩ mô. Một mặt, lạm phát có thể kéo theo lãi suất huy động tăng lên và khiến lãi suất cho vay tăng lên, gây áp lực lớn với các Doanh nghiệp đang sủ dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt là các Doanh nghiệp đang tăng trưởng sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn vay sẽ trở lên khó khăn hơn. Mặt khác, các khoản cho vay tiêu dùng cũng trở nên kém hấp dẫn hơn làm giảm sức tiêu dùng của người dân, giá cả leo thang đồng tiền mất giá cũng khiến người dân hạn chế chi tiêu hơn, các Doanh nghiệp càng trở lên khó khăn hơn.

Ngược lại, những ngành nghề hay doanh nghiệp có khả năng điều chỉnh giá sản phẩm phù hợp với tình hình lạm phát mà khách hàng vẫn phải chấp nhận, sẽ có thể được lợi. Thậm chí không ít doanh nghiệp còn tận dụng cơ hội giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao để điều chỉnh giá bán sản phẩm đầu ra cao hơn nhiều, nhằm mở rộng biên lợi nhuận.

Những nhóm ngành thiết yếu như lương thực, thực phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe, tiện ích,…vốn có độ nhạy cảm về giá thấp hơn so với những nhóm ngành khác. Về lý thuyết theo chu kỳ, khi chứng khoán bước vào thị trường “con gấu”, đây cũng là những nhóm ngành được nhà đầu tư xem xét ưu tiên nắm giữ chờ qua “mùa đông băng giá”, khi cầu sử dụng những sản phẩm này luôn ổn định trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế nào.

Ngược lại các ngành tài chính ngân hàng, tiêu dùng xa xỉ, bất động sản hay xây dựng sẽ chịu áp lực lớn, do thường sử dụng đòn bẫy vay nợ cao và độ nhạy cảm về giá cũng cao hơn. Đơn cử như ngành ngân hàng, khi lãi suất đầu vào tăng khiến chi phí vốn cao hơn, việc tăng nhanh lãi suất cho vay ngay lập tức có thể gặp nhiều hạn chế, không chỉ vì trái với định hướng giữ ổn định lãi suất vay vốn của nhà điều hành, mà còn vì các khoản cho vay trung dài hạn theo hợp đồng ký kết với khách hàng chỉ có thể điều chỉnh lãi suất vay theo định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng/ lần.

Dĩ nhiên không phải các ngành nghề sẽ phản ứng  liền tức thì khi lãi suất bắt đầu tăng trở lại, mà thị trường có thể cần phải mất một thời gian thể hiện rõ khi những nguyên lý này dần tác động vào. Nói cách khác, nhà đầu tư khi nhận thấy lạm phát rồi đến mặt bằng lãi suất đang tăng trở lại, cần phải có thêm thời gian để đánh giá liệu đó chỉ là diễn biến nhất thời hay khởi đầu cho một xu hướng dài hạn.

SHARE