1. Tổng sản phẩm quốc dân (GDP) là gì?
- GDP là thước đo tổng sản lượng và tổng thu nhập của một nền kinh tế. Đây là một trong những biến số kinh tế quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân và được biết đến như chiếc “hàn thử biểu” của nền kinh tế và là chỉ báo tốt nhất về phúc lợi kinh tế của xã hội
- Tổng sản phẩm trong nước là giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong một nước trong một thời kỳ nhất định.
- Phương pháp chi tiêu: GDP = C + I + G + X - M (trong đó: C là tiêu dùng hộ gia đình, I là đầu tư tư nhân, G là chi tiêu chính phủ, X là xuất khẩu, M là nhập khẩu)
- Phương pháp thu nhập: GDP = W + R + I + Pr + OI + Te +Dep (trong đó: W là thù lao lao động, R là tiền cho thuê tài sản, I là tiền lãi ròng, Pr là lợi nhuận doanh nghiệp, OI là thu nhập của doanh nhân, Te là thuế gián thu ròng, Dep là khấu hao tài sản cố định)
- Phương pháp sản xuất: GDP = Tổng giá trị tăng thêm theo sản xuất + Thuế giá trị gia tăng phải nộp + Thuế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ
2. Chỉ số giá tiêu dùng CPI là gì?
- Định nghĩa:
- Chỉ số giá tiêu dùng - CPI (Consumer Price Index) là loại chỉ số dùng để đo lường mức giá trung bình của giỏ hàng hóa và dịch vụ mà một người tiêu dùng điển hình mua.
- Chỉ số này được tính dựa trên một giỏ hàng hóa đại diện nên chỉ mang tính tương đối so với toàn bộ nền kinh tế.
- Dưới góc độ của nền kinh tế vĩ mô, CPI được tính ở những lĩnh vực như nhà ở, quần áo, thực phẩm và đồ uống, giáo dục và truyền thông, dịch vụ y tế, phương tiện vận chuyển, giải trí, hàng hóa và dịch vụ khác…
- Ý nghĩa:
- Dựa vào chỉ số CPI, người ta có thể nhận xét được mức độ biến động của hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Nhờ có CPI, các hộ gia đình kiểm soát được chi phí sinh hoạt và linh động hơn khi vật giá có sự thay đổi.
- Ngoài ra, CPI còn được mệnh danh là thước đo của lạm phát. Sự biến động của chỉ số giá tiêu dùng sẽ gây ra tình trạng lạm phát hoặc giảm phát. Và hai tình trạng này đều có thể dẫn đến thoái hóa nền kinh tế, khủng hoảng và thất nghiệp.
- Vì thế nên chính phủ và nhà lãnh đạo cũng dựa vào CPI để làm 1 trong các căn cứ đưa ra các chính sách sao cho hợp lý.
- Cách tính:
- Bước 1: Cố định giỏ hàng Đây là bước cố định và tổng kết giỏ hàng của người tiêu dùng thông qua việc thống kê số lượng hàng hóa và dịch vụ người đó sử dụng.
- Bước 2: Xác định giá Sau khi đã có các sản phẩm trong giỏ hàng, chúng ta tiến đến bước xác định giá cả cho chúng. Giá phải được tính theo giá cả thị trường tại thời điểm đó.
- Bước 3: Tính chi phí mua giỏ hàng hóa - dịch vụ Sau khi xác định được giá cả của từng mặt hàng, ta sẽ đem giá đó nhân với số lượng của mỗi loại và cộng chúng lại với nhau để tính tổng chi phí của giỏ hàng.
- Bước 4: CPI = chi phí mua giỏ hàng năm cần tính/ chi phí mua giỏ hàng năm cơ sở x 100
- Bước 5: Tính chỉ số lạm phát, Chỉ số lạm phát = 100 x (CPI năm cần tính - CPI năm cơ sở) / CPI năm cơ sở
- Ví dụ, chỉ số lạm phát 2021 = 100 x (CPI năm 2021 - CPI năm 2020) / CPI năm 2020
- Tác động của chỉ số CPI đến nền kinh tế:
- CPI tăng: điều này đồng nghĩa với việc giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều tăng, tác động khá tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là bộ phận có thu nhập thấp.
- CPI giảm: giả cả của hàng hóa lúc này sẽ giảm. Nếu thu nhập của người dân vẫn giữ nguyên thì họ sẽ có cơ hội được nâng cao mức sống. Tuy nhiên nếu giảm mạnh, sẽ không kích thích sản xuất, nền kinh tế bị ngừng trệ.
3. Lạm phát là gì?
- Định nghĩa:
- Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.
- Các cấp độ của lạm phát:
- Lạm phát tự nhiên: 0 – dưới 10%
- Lạm phát phi mã: 10% đến dưới 1000%
- Siêu lạm phát: trên 1000%
- Một số khái niệm liên quan khác:
- Giảm phát: là sự sụt giảm trong mức giá chung của nền kinh tế
- Thiểu phát: là lạm phát ở tỷ lệ rất thấp. (Ở Việt Nam, có nhiều người thường nhầm lẫn thiểu phát với giảm phát)
- Siêu lạm phát (trên 1000%): là tình trạng lạm phát cao nhất, có tác động phá hoại nền kinh tế, vòng xoáy ngoài tầm kiểm soát
- Tái lạm phát: Nỗ lực nâng cao mức giá chung để chống lại áp lực giảm phát
- Các nguyên nhân gây ra lạm phát:
- Bạn hãy tạm coi tiền tệ như một món hàng trao đổi. Món hàng nào có giá thì món đó sẽ đổi được nhiều hơn món hàng khác. Đô la Mỹ (USD) là đồng tiền có giá, bạn có thể dùng nó để mua hàng hóa ở bất kỳ đâu vì nó là đồng tiền có giá trị, được bảo chứng toàn cầu. Còn một quốc gia vì nhiều lý do như sản xuất yếu kém, hàng hóa khan hiếm thì giá cả hàng hóa tăng, hoặc do nợ công, thiếu hụt ngân sách, kích cầu, .. Chính phủ in thêm tiền bơm vào lưu thông khiến lượng tiền dư thừa so với hàng hoá. Giá tăng thì phải bỏ nhiều tiền hơn mua hàng hóa. Mà khi tiền mang đi quá nhiều bất tiện, nhà nước sẽ in các tờ tiền mệnh giá lớn để hỗ trợ lưu thông hàng hóa gọn gàng hơn. Khi đó lạm phát bắt đầu xảy ra. Có rất nhiều nguyên nhân xảy ra, tuy nhiên do "cầu kéo" và "chi phí đẩy" được coi là 2 nguyên nhân chính.
- Lạm phát do cầu kéo: Khi nhu cầu thị trường về một mặt hàng nào đó tăng lên sẽ khiến giá cả của mặt hàng đó tăng theo. Giá cả của các mặt hàng khác cũng theo đó leo thang, dẫn đến sự tăng giá của hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường. Lạm phát do sự tăng lên về cầu (nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng) được gọi là “lạm phát do cầu kéo”. Ở Việt Nam, giá xăng tăng lên kéo theo giá cước taxi tăng lên, giá thịt lợn tăng, giá nông sản tăng.... là một ví dụ điển hình.
- Lạm phát do chi phí đẩy: Chi phí đẩy của các doanh nghiệp bao gồm tiền lương, giá cả nguyên liệu đầu vào, máy móc, thuế… Khi giá cả của một hoặc vài yếu tố này tăng lên thì tổng chi phí sản xuất của các xí nghiệp cũng tăng lên, vì thế mà giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng lên nhằm bảo toàn lợi nhuận. Mức giá chung của toàn thể nền kinh tế tăng lên được gọi là “lạm phát do chi phí đẩy”.
- Lạm phát do cơ cấu: Với ngành kinh doanh có hiệu quả, doanh nghiệp tăng dần tiền công “danh nghĩa” cho người lao động. Nhưng cũng có những nhóm ngành kinh doanh không hiệu quả, doanh nghiệp cũng theo xu thế đó buộc phải tăng tiền công cho người lao động. Nhưng vì những doanh nghiệp này kinh doanh kém hiệu quả, nên khi phải tăng tiền công cho người lao động, các doanh nghiệp này buộc phải tăng giá thành sản phẩm để đảm bảo mức lợi nhuận và làm phát sinh lạm phát.
- Lạm phát do cầu thay đổi: Khi thị trường giảm nhu cầu tiêu thụ về một mặt hàng nào đó, trong khi lượng cầu về một mặt hàng khác lại tăng lên. Nếu thị trường có người cung cấp độc quyền và giá cả có tính chất cứng nhắc phía dưới (chỉ có thể tăng mà không thể giảm, như giá điện ở Việt Nam), thì mặt hàng mà lượng cầu giảm vẫn không giảm giá. Trong khi đó mặt hàng có lượng cầu tăng thì lại tăng giá. Kết quả là mức giá chung tăng lên, dẫn đến lạm phát.
- Lạm phát do xuất khẩu: Khi xuất khẩu tăng, dẫn tới tổng cầu tăng cao hơn tổng cung (thị trường tiêu thụ lượng hàng nhiều hơn cung cấp), khi đó sản phẩm được thu gom cho xuất khẩu khiến lượng hàng cung cho thị trường trong nước giảm (hút hàng trong nước) khiến tổng cung trong nước thấp hơn tổng cầu. Khi tổng cung và tổng cầu mất cân bằng sẽ nảy sinh lạm phát.
- Lạm phát do nhập khẩu: Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng (do thuế nhập khẩu tăng hoặc do giá cả trên thế giới tăng) thì giá bán sản phẩm đó trong nước sẽ phải tăng lên. Khi mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên sẽ hình thành lạm phát.
- Lạm phát tiền tệ: Khi cung lượng tiền lưu hành trong nước tăng, chẳng hạn do nhà nước thực hiện các gói kích cầu, bơm thêm tiền vào nền kinh tế, hay ngân các trường hợp hàng trung ương mua ngoại tệ vào để giữ cho đồng tiền trong nước khỏi mất giá so với ngoại tệ; hay do ngân hàng trung ương mua công trái theo yêu cầu của nhà nước làm cho lượng tiền trong lưu thông tăng lên cũng là nguyên nhân gây ra lạm phát.
- Cách tính: Chỉ số lạm phát = 100 x (CPI năm cần tính - CPI năm cơ sở)/ CPI năm cơ sở
- Ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế:
- Tích cực: Lạm phát không phải bao giờ cũng gây nên những tác hại cho nền kinh tế. Khi tốc độ lạm phát vừa phải đó là từ 2-5% ở các nước phát triển và dưới 10% ở các nước đang phát triển sẽ mang lại một số lợi ích cho nền kinh tế như sau: Kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư, giảm bớt thất nghiệp trong xã hội. Cho phép chính phủ có thêm khả năng lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư vào những lĩnh vực kém ưu tiên thông qua mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu và trong khoảng thời gian nhất định có chọn lọc. Tuy nhiên, đây là công việc khó và đầy mạo hiểm nếu không chủ động thì sẽ gây nên hậu quả xấu. Tóm lại, lạm phát là căn bệnh mãn tính của nền kinh tế thị trường, nó vừa có tác hại lẫn lợi ích. Khi nền kinh tế có thể duy trì, kiềm chế và điều tiết được lạm phát ở tốc độ vừa phải thì nó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Tiêu cực: Giữa thu nhập thực tế và thu nhập danh nghĩa của người lao động có quan hệ với nhau qua tỷ lệ lạm phát. Khi lạm phát tăng lên mà thu nhập danh nghĩa không thay đổi thì làm cho thu nhập thực tế của người lao động giảm xuống. Lạm phát không chỉ làm giảm giá trị thật của những tài sản không có lãi mà nó còn làm hao mòn giá trị của những tài sản có lãi, tức là làm giảm thu nhập thực từ các khoản lãi, các khoản lợi tức (Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa - Tỷ lệ lạm phát). Đó là do chính sách thuế của nhà nước được tính trên cơ sở của thu nhập danh nghĩa. Khi lạm phát tăng cao, những người đi vay tăng lãi suất danh nghĩa để bù vào tỷ lệ lạm phát tăng cao mặc dù thuế suất vẫn không tăng. Từ đó, thu nhập ròng (thực) của của người cho vay bằng thu nhập danh nghĩa trừ đi tỉ lệ lạm phát bị giảm xuống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế xã hội. Như suy thoái kinh tế, thất nghiệp gia tăng, đời sống của người lao động trở nên khó khăn hơn sẽ làm giảm lòng tin của dân chúng đối với Chính phủ...
4. Tỷ giá hối đoái là gì?
- Định nghĩa:
- Tỷ giá hối đoái (còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ hoặc tỷ giá) là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền của hai nước, là giá cả một đơn vị tiền tệ của một nước được tính bằng tiền của nước khác hay nói khác đi, là số lượng đơn vị tiền tệ cần thiết để mua một đơn vị ngoại tệ.
- Luật Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (1997) định nghĩa tỷ giá hối đoái là tỷ lệ giữa giá trị của đồng Việt Nam với giá trị của đồng tiền nước ngoài, có sự điều tiết của Nhà Nước trên thị trường và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố.
- Ví dụ: Tỷ giá USD/VND = 23.300 hay 1USD = 23.300 VND.
- Phân loại tỷ giá hối đoái:
- Căn cứ vào đối tượng xác định:
- Tỷ giá chính thức: Là tỷ giá do Ngân hàng trung ương của nước đó xác định. Trên cơ sở của tỷ giá này các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng sẽ ấn định tỷ giá mua bán ngoại tệ giao ngay, có kỳ hạn, hoán đổi.
- Tỷ giá thị trường: Là tỷ giá được hình thành trên có sở quan hệ cung cầu trên thị trường hối đoái.
- Căn cứ vào kỳ hạn thanh toán:
- Tỷ giá giao ngay (SPOT): Là tỷ giá do tổ chức tín dụng yết giá tại thời điểm giao dịch hoặc do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo trong biểu độ do ngân hàng nhà nước quy định. Việc thanh toán giữa các bên phải được thực hiện trong vòng hai ngày làm việc tiếp theo, sau ngày cam kết mua hoặc bán.
- Tỷ giá giao dịch kỳ hạn (FORWARDS): Là tỷ giá giao dịch do tổ chức tín dụng tự tính toán và thỏa thuận với nhau nhưng phải đảm bảo trong biên độ quy định về tỷ giá kỳ hạn hiện hành của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm ký hợp đồng.
- Căn cứ vào phương thức chuyển đổi:
- Tỷ giá điện hối: Là tỷ giá thường được niêm yết tại ngân hàng. Đó là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện. Tỷ giá điện hối là tỷ giá cơ sở để xác định các loại tỷ giá khác.
- Tỷ giá thư hối: Tức là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư. Tỷ giá điện hối thường cao hơn tỷ giá thư hối.
- Căn cứ vào giao dịch:
- Tỷ giá mua: Là tỷ giá của ngân hàng mua ngoại hối vào.
- Tỷ giá bán: Là tỷ giá của ngân hàng bán ngoại hối ra.
- Căn cứ vào đối tượng xác định:
- Chế độ tỷ giá hối đoái:
- Tỷ giá thả nổi: Chế độ tỷ giá thả nổi hay còn gọi là chế độ tỷ giá linh hoạt là một chế độ trong đó giá trị của một đồng tiền được phép dao động trên thị trường ngoại hối. Đồng tiền sử dụng chế độ tỷ giá thả nổi được gọi là một đồng tiền thả nổi. Các nhà kinh tế đều cho rằng, trong phần lớn trường hợp, chế độ tỷ giá thả nổi tốt hơn chế độ tỷ giá cố định bởi vì tỷ giá thả nổi nhạy với thị trường ngoại hối. Điều này cho phép làm dịu tác động của các cú sốc và chu kỳ kinh doanh nước ngoài. Đồng thời, nó không bóp méo các hoạt động kinh tế.
- Tỷ giá hối đoái cố định: Là một kiểu chế độ tỷ giá hối đoái trong đó giá trị của một đồng tiền được gắn với giá trị của một đồng tiền khác hay với một rổ các đồng tiền khác, hay với một thước đo giá trị khác, như vàng chẳng hạn. Khi giá trị tham khảo tăng hoặc giảm, thì giá trị của đồng tiền neo vào cũng tăng hoặc giảm. Đồng tiền sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định gọi là đồng tiền cố định. Tỷ giá hối đoái cố định là một lựa chọn chế độ tỷ giá ngược hoàn toàn với tỷ giá hối đoái thả nổi.
- Tỷ giá thả nổi có điều tiết: Là một chế độ tỷ giá hối đoái nằm giữa hai chế độ thả nổi và cố định. Mặc dù lý thuyết nói chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi tốt hơn, nhưng trong thực tế không có một đồng tiền nào được thả nổi hoàn toàn, vì nó quá bất ổn định. Tuy chế độ tỷ giá hối đoái cố định tạo ra sự ổn định, song việc thực hiện các biện pháp chính sách nhằm giữ cho tỷ giá hối đoái cố định tương đối khó khăn và tốn kém, và trên hết là chế độ này làm cho chính sách tiền tệ trở nên vô hiệu lực. Do đó, chỉ một số ít đồng tiền trên thế giới sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới sử dụng chế độ tỷ giá thả nổi, nhưng chính phủ sẽ can thiệp để tỷ giá không hoàn toàn phản ứng theo thị trường.
- Phương pháp xác định tỷ giá hối đoái:
- Xác định tỷ giá hối đoái trên cơ sở ngang giá vàng (Gold parity): Đây là phương pháp so sánh hàm lượng vàng giữa hai đồng tiền với nhau.
- Xác định tỷ giá hối đoái trên cơ sở cân bằng sức mua (Purchasing Power Parity): Phương pháp này dựa trên cơ sở so sánh sức mua giữa hai đồng tiền, dùng để so sánh giá cả hàng hoá, dịch vụ, xây dựng phương án kinh doanh xuất nhập khẩu và thực hiện các nghiệp vụ hải quan,…
- Các yếu tố ảnh hưởng:
- Lạm phát: Việc thay đổi lạm phát trong nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu ngoại tệ làm tỷ giá thay đổi. Ví dụ: Nếu trong nước (Việt Nam) có tỷ lệ lạm phát cao hơn quốc gia nước ngoài (Trung Quốc). Người dân Việt sẽ có xu hướng chọn lựa hàng hoá Trung Quốc hơn Việt Nam do giá cả chi trả cho hàng hoá sẽ rẻ hơn và thị trường sẽ nhập khẩu hàng Trung tăng làm cầu đồng ngoại tệ (nhân dân tệ) tăng. Còn ở Trung Quốc, người dân sẽ hạn chế sử dụng hàng hoá Việt do giá cao và nhập khẩu Việt giảm khiến cho cung ngoại tệ (nhân dân tệ) giảm. Cầu ngoại tệ tăng, cung ngoại tệ giảm dẫn đến tỷ giá hối đoái nhân dân tệ so với VND tăng. Dẫn đến đồng nội tệ (VND) giảm. Còn với nội địa có tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với nước ngoài thì tỷ giá hối đoái sẽ giảm và giá trị nội tệ sẽ tăng.
- Lãi suất: Lãi suất ảnh hưởng tương đối đến các hoạt động đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái. Ví dụ: Khi Việt Nam có lãi suất thấp hơn so với các nước ngoài như Trung Quốc. Thì nhà đầu tư Việt Nam sẽ có xu hướng đầu tư vào thị trường Trung quốc hoặc gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng đó. Điều này sẽ giúp họ có khoản lợi nhuận lớn hơn so với đầu tư vào thị trường Việt Nam nên ngoại tệ Trung Quốc sẽ tăng lên và cung về ngoại tệ Việt Nam sẽ giảm. Chính điều này làm giảm tỷ giá hối đoái nhân dân tệ còn VND thì tăng dẫn đến đồng nội tệ mất giá. Còn khi nội địa có lãi suất cao hơn nước ngoài thì tài chính nội địa hấp dẫn tỷ giá hối đoái giảm còn giá trị nội tệ sẽ tăng
- Thu nhập:
- Tác động trực tiếp: là thu nhập của quốc gia tăng thì người dân sẽ có xu hướng muốn dùng hàng nhập khẩu nhiều hơn từ đó làm cầu ngoại tệ tăng làm tỷ giá tăng
- Tác động gián tiếp: thu nhập cao thì người dân sẽ tăng mức chi tiêu trong nước làm cho tỷ lệ lạm phát cao, thông qua yếu tố lạm phát như đã phân tích trên làm tỷ giá tăng
- Trao đổi thương mại:
- Tình hình tăng trưởng kinh tế: Nếu tốc độ tăng giá của sản phẩm xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng giá sản phẩm nhập khẩu thì tỷ lệ trao đổi thương mại tăng và khiến cho giá trị đồng nội tệ tăng dẫn đến việc giảm tỷ giá. Còn tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu thì cán cân thương mại giảm khiến cho tỷ giá hối đoái tăng.
- Cán cân thanh toán: cán cân thanh toán quốc tế cao thì đồng ngoại tệ tăng và nội tệ giảm khiến tỷ giá hối đoái tăng. Còn cán cân thanh toán nội địa cao thì nội tệ tăng và ngoại tệ giảm sẽ khiến cho tỷ giá giảm.
- Vai trò của tỷ giá hối đoái:
- Vai trò so sánh sức mua của các đồng tiền: Tỷ giá là công cụ rất hữu hiệu để tính toán và so sánh giá trị nội tệ với giá trị ngoại tệ, giá cả hàng hóa trong nước với giá quốc tế, năng suất lao động trong nước với năng suất lao động quốc tế...; Từ đó, sẽ giúp tính toán hiệu quả của các giao dịch ngoại thương, các hoạt động liên doanh với nước ngoài, vay vốn nước ngoài và hiệu quả của các chính sách kinh tế đối ngoại của Nhà Nước.
- Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu: Nếu đồng tiền nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) đồng nghĩa với giá cả hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên rẻ hơn dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế sẽ được nâng cao. Sự tăng lên của tỷ giá làm nền kinh tế thu được nhiều ngoại tệ, từ đó giúp cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.
- Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng tới tình hình lạm phát và tăng trưởng kinh tế: Khi sức mua nội tệ giảm (tỷ giá hối đoái tăng) làm giá hàng nhập khẩu đắt hơn, dễ dẫn đến khả năng lạm phát có thể xảy ra. Ngược lại khi tỷ giá hối đoái giảm (giá đồng nội tệ tăng lên), hàng nhập khẩu từ nước ngoài trở nên rẻ hơn. Từ đó lạm phát được kiềm chế nhưng lại dẫn tới sản xuất thu hẹp và tăng trưởng thấp.
5. Tiền dự trữ đối với hoạt động của Ngân hàng là gì?
- Tiền dự trữ - Reserve currency: Là số tiền mà các ngân hàng thương mại giữ lại để đáp ứng yêu cầu chi trả tiền mặt hàng ngày cho những khách hàng đến rút tiền. Mục đích của tiền dự trữ là đảm bảo khả năng thanh toán toàn bộ các khoản nợ phát sinh, toàn bộ các khoản chi trả, chi tiêu và cho vay thường xuyên của ngân hàng. Từ đó tránh tình trạng dự trữ quá ít hoặc quá nhiều.
- Bản chất của tiền dự trữ:
- Khoản tiền dự trữ là tài sản của ngân hàng thương mại, nhưng lại là khoản nợ của ngân hàng trung ương.
- Các ngân hàng thương mại có thể yêu cầu thanh toán tiền dự trữ bất cứ lúc nào và ngân hàng trung ương buộc phải thực hiện các trách nhiệm nợ của mình bằng cách thanh toán các giấy bạc của ngân hàng trung ương.
- Khi tiền dự trữ được tăng thêm tại các ngân hàng thương mại chính là cơ sở để ngân hàng thương mại tạo ra tiền gửi séc.
- Phân loại tiền dự trữ:
- Tiền dự trữ bắt buộc - reserve requirements: Là loại tiền dự trữ mà ngân hàng trung ương yêu cầu các ngân hàng thương mại phải lưu giữ lại. Hay nói cách khác đây là tỷ lệ phần trăm tiền gửi mà các ngân hàng thương mại buộc phải giữ làm dự trữ theo yêu cầu của ngân hàng trung ương.
- Số tiền dự trữ bắt buộc trong kỳ sẽ được tính bằng số dư tiền gửi bình quân ngày (của kỳ này hoặc kỳ trước ) nhân (x) với tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Trong đó: Số dư tiền gửi bình quân = Tổng số dư tiền gửi từng ngày trong kỳ / Số ngày dương lịch trong kỳ
- Tất cả các loại tiền gửi này sẽ được theo dõi trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng thương mại tại ngân hàng Nhà nước (tài khoản tiền gửi thanh toán).
- Tiền dự trữ vượt mức: Là loại tiền dự trữ vượt trên mức dự trữ bắt buộc theo quy định của ngân hàng trung ương. Thông thường loại tiền dự trữ này nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại, bảo đảm chi trả thường xuyên cho các khách hàng có nhu cầu rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại.
- Tiền dự trữ vượt mức do các ngân hàng thương mại tự quyết định mà không có tính bắt buộc của ngân hàng trung ương.
- Các ngân hàng thương mại luôn phải duy trì tiền dự trữ vượt mức ở mức độ hợp lý nhất để tránh 2 hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra là duy trì ít thì rủi ro trong thanh khoản, ngược lại duy trì cao thì giảm lợi nhuận.
- Phương pháp quản lý tiền dự trữ:
- Phương pháp phong tỏa hoàn toàn: Tức là toàn bộ số tiền dự trữ bắt buộc sẽ được Ngân hàng Nhà nước quản lý tại một tài khoản riêng biệt, số tiền này các ngân hàng thương mại không được sử dụng và không được hưởng lãi.
- Phương pháp bán phong tỏa: Tức là một phần dự trữ bắt buộc sẽ được quản lý như trên tại ngân hàng Nhà nước, phần còn lại được quản lý tại ngân hàng thương mại đó dưới hình thức như tiền mặt, tiền gửi, các chứng khoán có tính thanh khoản cao. Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm tra tình hình dự trữ của các ngân hàng thương mại tại các khoản mục trên theo định kỳ.
- Phương pháp không phong tỏa: Nghĩa là toàn bộ số tiền dự trữ bắt buộc sẽ được quản lý tại Ngân hàng thương mại dưới hình thức tiền gửi, tiền mặt, đầu tư chứng khoán và định kỳ ngân hàng nhà nước sẽ kiểm tra.
- Vai trò của tiền dự trữ:
- Đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả: Ngân hàng trung ương là ngân hàng sẽ thực hiện chức năng quản lý tiền dự trữ. Để các ngân hàng thương mại không bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, ngân hàng trung ương sẽ quy định một tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Ngoài ra các ngân hàng thương mại cũng phải dự trữ vượt mức 1 khoản tiền để đảm bảo khả năng thanh toán của ngân hàng.
- Quản lý khả năng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng: Quản lý khả năng tiền mặt là nghiệp vụ nhằm duy trì khả năng thanh khoản của các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu rút tiền và thanh toán thường xuyên của khách hàng.
- Vai trò kiểm soát tiền tệ: Dự trữ bắt buộc sẽ tăng cường sự kiểm soát của ngân hàng trung ương đối với quá trình cung ứng tiền tệ. Chính tỷ lệ phần trăm của số tiền gửi được giữ lại làm tiền dự trữ là một nhân tố quyết định của số nhân tiền tệ, cho nên nó cũng quyết định đến sự phản ứng của cung tiền đối với sự thay đổi trong cơ số tiền. Chính việc kiểm soát tỷ lệ dự trữ tiền gửi qua dự trữ bắt buộc làm cho số nhân tiền ổn định và cung tiền trở nên dễ kiểm soát hơn đối với ngân hàng trung ương.
- Tiền dự trữ là công cụ quản lý tiền tệ của ngân hàng trung ương: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tác động đến cơ chế tạo tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Từ lượng tiền dự trữ ban đầu, hệ thống ngân hàng thương mại có thể tạo ra một lượng tiền gửi lớn gấp nhiều lần. Nếu ngân hàng trung ương quyết định tăng hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm cho hệ số tạo tiền thu hẹp hoặc tăng lên. Ví dụ: Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%, thì với một lượng tiền dự trữ ban đầu, hệ thống ngân hàng thương mại tạo ra một lượng tiền gửi lớn gấp 10 lần. Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên 20% thì lượng tiền gửi mới do ngân hàng thương mại tạo ra tăng 5 lần; nếu dự trữ bắt buộc giảm xuống 5% thì, lượng tiền gửi mới do hệ thống ngân hàng thương mại tạo ra tăng 20 lần… Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tác động đến lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại. Theo quy định, tiền dự trữ bắt buộc đều phải mở tài khoản và gửi ở ngân hàng trung ương và không được hưởng lãi. Vì vậy, khi mức dự trữ tăng lên, các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất cho vay, lúc này khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ giảm xuống và theo đó lượng tiền cung ứng cũng giảm xuống. Còn khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm xuống, các ngân hàng thương mại có cơ hội giảm lãi suất cho vay, từ đó tăng khả năng cho vay của các ngân hàng thương mại và lượng tiền cung ứng sẽ tăng lên.
- Ổn định và điều tiết lạm phát: Trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng nói riêng, tiền dự trữ nói chung và dự trữ bắt buộc nói riêng có thể điều khiển lạm phát, khôi phục hoạt động kinh tế trong trường hợp nền kinh tế phát triển chưa ổn định. Cụ thể: Khi lạm phát cao, ngân hàng trung ương sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc khiến khả năng cho vay và khả năng thanh toán của các ngân hàng bị thu hẹp. Điều này khiến khối lượng tín dụng trong nền kinh tế giảm (cung tiền giảm), làm cho lãi suất tăng, đầu tư giảm do đó tổng cầu giảm và làm cho giá giảm, tức tỷ lệ lạm phát giảm. Và ngược lại: Nếu ngân hàng trung ương giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì cung về tín dụng của các ngân hàng thương mại tăng lên, khối lượng tín dụng (cung tiền tăng) và khối lượng thanh toán cũng có xu hướng tăng dẫn tới lãi suất giảm, đồng thời tăng xu hướng mở rộng khối lượng tiền. Việc tăng cung tiền sẽ dẫn tới tăng giá, tức là tỷ lệ lạm phát tăng.
- Tác động nhạy cảm của tiền dự trữ đối với nền kinh tế:
- Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng sẽ làm cho khối lượng tiền tăng lên rất lớn khó kiểm soát.
- Khi sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để kiểm soát cung ứng tiền tệ như tăng dự trữ bắt buộc có thể dẫn đến khả năng thanh khoản ngay đối với một ngân hàng có dự trữ vượt mức quá thấp.
- Việc thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc không ngừng cũng gây nên tình trạng không ổn định cho các ngân hàng.
- => Bởi vậy, trên thế giới, sử dụng công cụ tiền dự trữ hay dự trữ bắt buộc để kiểm soát cung tiền tệ qua đó kiểm soát lạm phát rất ít được sử dụng, đặc biệt là những nước có nền kinh tế ổn định hoặc phát triển.
- Tiền dự trữ bắt buộc - reserve requirements: Là loại tiền dự trữ mà ngân hàng trung ương yêu cầu các ngân hàng thương mại phải lưu giữ lại. Hay nói cách khác đây là tỷ lệ phần trăm tiền gửi mà các ngân hàng thương mại buộc phải giữ làm dự trữ theo yêu cầu của ngân hàng trung ương.
Bài viết mới nhất
Bài viết cùng chuyên mục
Định giá cổ phiếu bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền
13:15:31 PM 05/06/2022
6 nhóm chỉ số tài chính trong phân tích hoạt động tài chính Doanh nghiệp
12:57:53 PM 22/05/2022
Đầu tư chứng khoán căn bản (C7) - Đọc hiểu báo cáo tài chính Doanh nghiệp
22:46:24 PM 22/03/2022
Video
Eci Holdings
00:17:40 AM 30/08/2021
Dự án Green Pearl Tuần Châu - Concept by Eci Holdings
14:40:33 PM 07/07/2021
Green Pearl Tuần Châu - Nơi tinh hoa hội tụ | Concept by Eci Holdings
14:39:42 PM 07/07/2021
Tin tức
-
Lạm phát ảnh hưởng đến các kênh đầu tư như thế nào?
07:57:05 AM 15/03/2022
-
Chứng khoán Việt vào top có mức sinh lời cao bậc nhất thế giới, dự báo lập đỉnh mới năm 2022
10:46:26 AM 04/01/2022
-
Thương vụ lịch sử và bước ngoặt tỷ đô của công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam
12:05:11 PM 28/12/2021
-
Hưởng lợi từ khủng hoảng nguồn cung thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc 600 tỷ US
14:56:38 PM 17/12/2021
-
Hàng loạt 'ông lớn' Hàn Quốc như Samsung, SK, Lotte... đều muốn đầu tư lâu dài vào Việt Nam
09:12:29 AM 14/12/2021