Đầu tư chứng khoán căn bản (C2) - Cổ tức và những điều cần biết

20:36:08 PM 15/08/2021

1. Cổ tức là gì?

  • Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng trả cho mỗi cổ phần, bằng tiền mặt hoặc tài sản khác (thông thường là cổ phiếu) từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty, sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ về tài chính.
  • Hàng năm, số tiền hoặc cổ phiếu để chi trả sẽ được thông qua trong Đại hội cổ đông.

2. Mục đích và ý nghĩa là gì?

  • Đây là một phương thức để phân phối lợi nhuận ròng của Công ty, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của Công ty đối với Cổ đông.
  • Việc chi trả cổ tức có thường xuyên hay không, và mức độ chi trả cổ tức sẽ đánh giá được Công ty hoạt động có hiệu quả không và có quan tâm đến lợi ích của Cổ đông không.

3. Có những hình thức trả cổ tức nào?

  • Trả bằng tiền: Là việc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt trực tiếp vào tài khoản chứng khoán cho cổ đông. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
    • Khi 1 doanh nghiệp công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền, thì tức là dựa trên mệnh giá cổ phiếu (tương ứng 10.000 đồng/CP).
    • Ví dụ: Ngày 29/4/2021, Công ty cổ phần trực tuyến FPT (mã chứng khoán FOC) trả cổ tức 200% bằng tiền mặt, tức các Cổ đông giữ cổ phiếu FOC sẽ được nhận 20 nghìn đồng trên mỗi cổ phiếu.
  • Trả bằng cổ phiếu: Là việc Doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Việc phát hành thêm cổ phiếu (để chi trả cổ tức) làm thay đổi vốn điều lệ đăng ký nhưng không làm thay đổi vốn chủ sở hữu cũng như tỷ lệ nắm giữ của cổ đông.
    • Ví dụ: Trong quý 3 năm 2021, ngân hàng VPB sẽ trả cổ tức 80% bằng cổ phiếu, tức cổ đông cứ nắm giữ 10 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 8 cổ phiếu.

4. Sự khác nhau giữa việc trả bằng tiền và trả bằng cổ phiếu là gì?

  • Khác nhau quan trọng nhất giữa việc trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu là ở dòng tiền lưu thông của doanh nghiệp.
  • Đối với việc trả cổ tức bằng tiền, dòng tiền từ lợi nhuận sau thuế sẽ đi ra khỏi doanh nghiệp. Cụ thể, là được chi trả vào tài khoản của từng cổ đông.

  • Còn việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, dòng tiền về cơ bản vẫn ở trong doanh nghiệp. Chỉ có sự thay đổi từ khoản mục lợi nhuận sau thuế (chưa phân phối) chuyển sang khoản mục vốn góp của chủ sở hữu.

5. Làm thế nào để được nhận cổ tức?

  • Để được nhận cổ tức, bạn chỉ cần nắm giữ cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền (tức trước ngày chốt quyền 2 ngày).
  • Nếu cổ phiếu bạn nắm giữ là cổ phiếu đã niêm yết, cổ tức sẽ được trả trực tiếp vào tài khoản chứng khoán của bạn.
  • Đặc biệt, với trường hợp công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì sau khoảng 30-60 ngày để Doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn và niêm yết số cổ phiếu phát hành thêm, cổ phiếu đó mới được chia về tài khoản của bạn.
  • Trường hợp cổ phiếu bạn nắm giữa là cổ phiếu chưa niêm yết (OTC), bạn cần liên hệ và đến trực tiếp doanh nghiệp để nhận cổ tức.

6. Trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt thì tốt hơn?

  • Hầu hết, nhà đầu tư đều thích được nhận cổ tức bằng tiền mặt vì “tiền tươi thóc thật” bao giờ cũng tốt hơn, và điều đó cho thấy Công ty có dòng tiền về tốt. Việc công ty trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ thể hiện cho cổ đông rằng công ty đang hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và quan tâm đến lợi ích Cổ đông.
  • Tuy nhiên, trong một số trường hợp trả cổ tức bằng tiền mặt không hẳn đã là tốt. Khi đầu tư cổ phiếu bạn cần hiểu rõ bản chất trong việc trả cổ tức của công ty, có những Doanh nghiệp đang trên đà tăng trưởng cần tái đầu tư để gia tăng lợi thế và khả năng tăng trưởng, thì việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là việc cần thiết. Cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của Doanh nghiệp.
  • Hoặc trong 1 số trường hợp, Công ty kinh Doanh tốt nhưng chưa có dòng tiền về, tiền mặt không đủ để trả cho Cổ đông, nếu như vay Ngân hàng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho Cổ đông thì có vẻ sẽ là một quyết định không mấy sáng suốt.

7. Có phải cứ trả cổ tức cao bằng tiền mặt là tốt?

  • Có rất nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trả cổ tức với tỷ lệ rất cao thậm chí 80 - 100%. Nếu chỉ nhìn vào con số này mà quyết định mua cổ phiếu thì bạn sẽ rất dễ “mắc bẫy”. Hầu hết những doanh nghiệp trả cổ tức cao bằng tiền mặt vì họ không còn khả năng tăng trưởng.
  • Thị phần, lĩnh vực, khu vực mà họ kinh doanh không thể phát triển hơn được nữa. Vì thế mặc dù kinh doanh có lãi và tạo ra nhiều tiền mặt nhưng ban lãnh đạo của họ hiểu rằng, dù có giữ lại tiền của cổ đông thì cũng không làm gia tăng thêm lợi nhuận. Điều tốt nhất là hoàn trả lại phần lớn lợi nhuận cho cổ đông.
  • Phần lớn những Doanh nghiệp này không phải là những Doanh nghiệp mang lại kỳ vọng cho những Cổ đông mới, vì giá cổ phiếu của những Doanh nghiệp này thường tăng đến 1 mức độ nhất định và chững lại, những Cổ đông mới thường không được hưởng lợi khi mua ở mức giá đã cao. Ngược lại với những Cổ đông sáng lập, hoặc mua từ lúc giá cổ phiếu còn thấp sẽ giữ lại cổ phần để hưởng cổ tức cao.
  • Tuy nhiên cho dù trong trường hợp nào, thì 1 Công ty tăng trưởng đi lên thì vẫn tốt hơn. Một số Doanh nghiệp dừng lại đồng nghĩa với việc họ để cho đối thủ vượt lên, và có thể họ sẽ mất quan hệ và thị phần.

8. Không trả cổ tức bằng tiền mặt có phải là điều tồi tệ không?

  • Đôi khi không trả cổ tức tiền mặt chưa hẳn là xấu! Hãy nhớ rằng, Berkshire Hathaway của Warren Buffett chưa bao giờ trả cổ tức bằng tiền mặt. Ở những doanh nghiệp đang có tốc độ tăng trưởng cao thì ban lãnh đạo luôn ưu tiên sử dụng nguồn lợi nhuận để bổ sung vào vốn lưu động hoặc đầu tư cơ bản. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế và duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh. Lúc này việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là việc cần thiết, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của Doanh nghiệp.
  • Quan điểm chủ đạo ở đây là: “Ban lãnh đạo tin rằng việc giữ lại tiền để công ty kinh doanh sẽ tốt hơn việc hoàn trả lại tiền để cổ đông tự đầu tư”
  • Ngược lại, bạn cần tránh xa những doanh nghiệp không đem lại giá trị cho cổ đông nhưng vẫn giữ lại lợi nhuận và không trả cổ tức tiền mặt. Một công ty tăng trưởng chỉ đem lại giá trị cho cổ đông khi tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) cao hơn chi phí vốn chủ sở hữu (CoE, hay Cost of Equity). Điều này có nghĩa là nếu những Doanh nghiệp có ROE thấp hơn chi phí vốn chủ, thì càng giữ lại tiền của cổ đông để tăng trưởng thì sẽ càng làm “xói mòn” giá trị cổ phần của cổ đông. Bạn nên tránh những cổ phiếu này vì càng nắm giữ thì giá trị vốn của bạn sẽ càng bị giảm đi.

9. Thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức được tính như thế nào?

  • Khi nhận cổ tức bằng tiền mặt, bạn sẽ bị đánh thuế 5%. Tức là, nếu công ty trả cổ tức 10.000 đồng/cp, bạn sẽ chỉ nhận được 9.500 đồng/cp.
  • Tương tự, nhận cổ tức bằng cổ phiếu, bạn cũng bị đánh thuế 5%. Bởi, theo quy định mới của nhà nước có hiệu lực 5/12/2020, khi bạn bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân.
    • Tuy nhiên, sắc thuế mới này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về mục đích đánh thuế là bất hợp lý, gây thuế chồng thuế và đẩy thiệt hại về phía nhà đâu tư.
    • Theo lý giải cục thuế, cổ tức bằng cổ phiếu được coi là thu nhập của nhà đầu tư nên sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân. 
    • Nhưng thực tế, trong nhiều trường hợp nhà đầu tư không được hưởng gì.
    • Lý do là: Thứ nhất, trước khi chia lãi cho cổ đông, doanh nghiệp đã phải nộp đầy đủ các sắc thuế có lãi, nghĩa là doanh nghiệp đã chịu một lần thuế. Thứ hai, ngày chốt trả cổ tức bằng cổ phiếu, giá cổ phiếu sẽ giảm tương ứng so với % cổ phiếu trả cổ tức. Thứ ba, thông thường do tâm lý nên các phiên giao dịch trả cổ tức bằng cổ phiếu thì giá cổ phiếu sẽ giảm. Cuối cùng, khi bán cổ phiếu, bất kể là lãi hay lỗ, nhà đầu tư sẽ phải chịu thuế thu nhập 0,1%.
    • Do đó, sắc thuế mới áp dụng sẽ khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại kép khi giá chứng khoán giảm và thuế chồng thuế.

10. Ngày giao dịch không hưởng quyền là gì?

  • Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông...)
  • "Ngày đăng ký cuối cùng" hay còn gọi là "ngày chốt quyền" là ngày Trung tâm lưu ký chốt danh sách khách hàng sở hữu chứng khoán để thực hiện các quyền cho cổ đông. Tại ngày chốt danh sách, nếu có tên trong danh sách, người sở hữu chứng khoán sẽ có quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm.
  • Theo chu kỳ thanh toán T+2 hiện tại, nhà đầu tư phải hai ngày sau mới thực sự sở hữu cổ phiếu. Do đó ngày giao dịch trước ngày đăng ký cuối cùng sẽ là ngày giao dịch mà nhà đầu tư khi mua cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền lợi của cổ đông.
  • "Ngày giao dịch không hưởng quyền" là ngày làm việc liền trước "ngày đăng ký cuối cùng". Nếu ngày đăng ký cuối cùng rơi vào thứ hai thì ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là ngày thứ sáu của tuần liền trước. Hay nếu ngày Lễ, Tết rơi vào trước ngày đăng ký cuối cùng thì nhà đầu tư cũng cần loại ra để xác định đúng ngày giao dịch không hưởng quyền.
  • Ví dụ: Nếu ngày 27/7 là ngày đăng ký cuối cùng thì ngày 26/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền, bởi lẽ nếu mua chứng khoán ngày 26/7, thì T+2 tức đến ngày 28/7 là ngày chứng khoán về, thì đã quá ngày chốt quyền. Vì thế phải mua chứng khoán vào ngày 25/7, thì đến ngày 27/7 chứng khoán về cũng đúng vào ngày chốt quyền thì sẽ được nhận quyền.
  • Việc xác định hai trường hợp này là điều quan trọng bởi liên quan đến chiến lược giao dịch. Bởi lẽ đối với các hoạt động trả cổ tức bằng cổ phiếu, thị giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh sau khi chốt quyền, giảm tương ứng với tỷ lệ chia. Việc sở hữu cổ phiếu trước hay sau ngày chốt quyền về bản chất là không đổi bởi thị giá điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư sẽ chọn việc mua cổ phiếu sau chốt quyền để tránh việc phải chờ cổ tức về tài khoản.

11. Tại sao giá cổ phiếu điều chỉnh trong ngày giao dịch không hưởng quyền?

  • Việc Doanh nghiệp trả cổ tức cho cổ đông, tức là một dòng tiền đã chảy ra khỏi Doanh nghiệp, làm giá trị vốn chủ của Doanh nghiệp giảm đi, vì thế giá cổ phiếu cũng cần giảm đi tương ứng.
  • Trong trường hợp Doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, tiền được giữ lại Doanh nghiệp, tức giá trị vốn chủ không tăng lên cũng không giảm đi. Tuy nhiên lúc này việc phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức làm tăng vốn điều lệ đăng ký lên, vì vậy, thị giá của cổ phiếu cần điều chỉnh tỷ lệ nghịch với tỷ lệ tăng lên của tổng số lượng cổ phiếu, để đảm bảo giá trị Doanh nghiệp không đổi.

12. Cách tính giá điều chỉnh tại ngày giao dịch không hưởng quyền ntn?

  • Có thể áp dụng công thức tổng quát dưới đây rong nhiều trường hợp: Trả cổ tức bằng tiền, Trả cổ tức bằng cổ phiếu, Phát hành cổ phiếu thưởng, Phát hành thêm cổ phiếu, Chia tách cổ phiếu:
  • Trong đó:
    • P: Giá hiện tại
    • P_dc: Giá điều chỉnh
    • P_ph: Giá cổ phiếu phát hành thêm
    • m: Tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm
    • n: Tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu (hoặc cổ phiếu thưởng)
    • D: cổ tức bằng tiền mặt
  • Ví dụ: Giả sử cổ phiếu ABC có giá đóng cửa ngày 1/1/2021 là 30.000 đ/cổ phiếu. Ngày 2/1/2021 là ngày GDKHQ của cổ phiếu ABC với các quyền sau:

    • Cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%/mệnh giá: tương đương 1.500đ/cổ phiếu
    • Cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:10 (hay 10%)
    • Phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 100:20 với mức giá 20.000đ/cổ phiếu

    Khi đó, giá tham chiếu của cổ phiếu ABC tại ngày 2/1/2020 sẽ được tính theo Công thức sẽ cho ra giá mới sau điều chỉnh là 25.000 đ/cổ phiếu.

13. Tỷ lệ chi trả cổ tức là gì?

  • Là tỷ lệ phần trăm (%) giữa Cổ tức bằng tiền chia cho Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp (hay Cổ tức chi trả cho 1 cổ phiếu thường/EPS).
  • Ví dụ:
  • Tỉ lệ chi trả cổ tức sẽ là: (123.147.885.500 + 150.702.675.000) / 1.291.776.601.066 = 21,2%

14. Tỷ lệ chi trả cổ tức bao nhiêu là hợp lý?

  • Tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ ở mức hợp lý khi 2 vấn đề sau đây được đảm bảo:
    • Thứ nhất, công ty được bổ sung đủ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh
    • Thứ hai, công ty đảm bảo vẫn giữ được tỷ suất sinh lợi trên vốn (ví dụ như tỷ lệ ROE)
  • Ví dụ:
    • Giả sử công ty A có vốn chủ sở hữu là 100 tỷ.
    • Lợi nhuận năm 2020 là 20 tỷ, tương ứng tỷ lệ ROE 20%.
    • Công ty A dự kiến sẽ chi 10 tỷ để chi trả cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ chi trả cổ tức là 50%. Sau khi trích quỹ khen thưởng phúc lợi là 2 tỷ (tương đương, 10% lợi nhuận), số tiền còn lại bổ sung vào vốn chủ sở hữu là: 20 – 10 – 2 = 8 tỷ.
    • Vốn chủ sở hữu cho năm tiếp theo là 108 tỷ.
    • Trong trường hợp này, cần chú ý rằng công ty đặt kế hoạch phù hợp đảm bảo tỷ lệ ROE vẫn giữ được là 20% hoặc cao hơn.
    • Khi đó, lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch của năm sau tối thiểu phải là: 20% * 108 = 21.6 tỷ.
    • Nếu công ty đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn thì rõ ràng các cổ đông cần yêu cầu công ty tăng tỷ lệ chi trả cổ tức.

15. Tỷ suất cổ tức là gì?

  • Tỷ suất cổ tức (Dividend yield) là tỷ suất sinh lợi có thể nhận được từ cổ tức nếu mua cổ phiếu ở mức giá hiện tại.
  • Công thức tính: Dividend yield = Cổ tức trên 1 cổ phiếu/ Thị giá của cổ phiếu
  • Tỷ suất cổ tức cho biết tỷ lệ % tiền cổ tức sẽ được nhận tính trên thị giá của 1 cổ phiếu, tuy nhiên chỉ nên coi hệ số này như 1 yếu tố mang tính chất tham chiếu, không nên sử dụng để đưa ra quyết định.
  • Ví dụ: Ngày 8/8/2021 Công ty A trả cổ tức là 5 nghìn đồng trên 1 cổ phiếu, giá cổ phiếu là 50 nghìn đồng, như vậy Dividend yield = 10%. 1 năm sau ngày 8/8/2022, Công ty A vẫn trả cổ tức 5 nghìn đồng 1 cổ phiếu, giá cổ phiếu lúc này là 40 nghìn đồng, Dividend yield = 12,5%. Như vậy, Dividend yield tăng lên do giá cổ phiếu giảm, điều này quả thực bạn sẽ không mong muốn chút nào.

 

SHARE