Đã gần 3 tháng kể từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện tại Việt Nam. Đợt dịch này nghiêm trọng hơn bao giờ hết khi trong 10 địa phương xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, có đến 4 địa phương là tâm dịch.
Nhưng đến hiện tại, ổ dịch tại Bắc Ninh hay Bắc Giang đều đã được kiểm soát đáng kể. Tối 9/7, UBND tỉnh Bắc Giang thông tin, hơn 76.000 lao động đã đi làm trở lại. Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang vui mừng nói: "Thời gian gần đây, mỗi ngày chúng ta chỉ nghe tin Bắc Giang có vài ca nhiễm mới".
Ca nhiễm cộng đồng đầu tiên của Bắc Giang ở đợt dịch lần thứ 4 này là vào ngày 7/5. Không chỉ thế, các ổ dịch sau đó còn xảy ra tại khu công nghiệp lớn của tỉnh, dẫn đến quyết định sau 11 ngày, tỉnh phải tạm dừng 4 khu công nghiệp.
Thời gian tạm dừng hoạt động như vậy đã ảnh hưởng như thế nào đến chuỗi cung ứng thưa ông?
Mọi người hay nói, thời gian vừa qua do làn sóng dịch mới mà khu công nghiệp tại Bắc Giang phải đóng cửa, dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Thực tế chuỗi cung ứng đâu có đứt gãy đâu? Các khu công nghiệp của tỉnh đóng cửa chỉ 11 ngày, nhưng vấn đề là các doanh nghiệp ở đây có nhiều nhà máy tại các địa phương khác nhau.
Ví dụ như Samsung, họ có thể đem nguyên vật liệu đang dở dang, sản phẩm đang dở dang xuống Bắc Ninh để tiếp tục hoạt động sản xuất. Tương tự như các doanh nghiệp khác, họ chỉ điều tiết trong nội bộ thôi, vẫn đảm bảo đáp ứng hoạt động trong chuỗi sản xuất.
Nhìn chung hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là doanh nghiệp đa quốc gia, nhà máy ở Bắc Giang không phải nhà máy duy nhất của họ. Ngay cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn không làm gãy chuỗi cung ứng được cơ mà (cười).
Còn nếu có đứt gãy, thì cũng chỉ ở một, hai điểm. Còn hệ thống, chuỗi cung ứng thì không gãy nổi, chỉ là tạm đóng trong khoảng 10 ngày.
Điều gì khiến Bắc Giang chỉ trong một thời gian ngắn như vậy, có thể thực hiện mục tiêu kép, nhanh chóng phục hồi lại hoạt động khu công nghiệp, cũng như kiểm soát được dịch?
Đầu tiên phải nhờ đến nỗ lực của chính quyền, quyết tâm và dồn tổng lực vào Bắc Giang. Tiếp theo là nỗ lực của các doanh nghiệp, cùng hợp tác trước quyết định tạm dừng ngay cả khi nhiều doanh nghiệp chưa có công nhân nhiễm bệnh. Thứ ba là sự ủng hộ, hỗ trợ của trung ương, Bộ Y tế, của các bộ ngành đã tập trung cho Bắc Giang vào giai đoạn cao điểm.
Bởi vậy nên chúng tôi mới có thể chiến đấu rất nhanh. Như mọi người cũng thấy, thời gian gần đây, mỗi ngày chúng ta chỉ nghe tin Bắc Giang có vài ca nhiễm mới.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đến nay đã đi vào hoạt động rất nhộn nhịp. Bây giờ đường xá, công nhân đi lại cũng rất đông đúc rồi. Thậm chí trong thời gian tới, các doanh nghiệp còn chuẩn bị tuyển dụng thêm mấy chục nghìn công nhân. Hiện nay thì đang còn khó vì đi lại giữa các tỉnh vẫn khó khăn.
Trong khoảng thời gian giãn cách thì sao, các KCN tại Bắc Giang áp dụng biện pháp giãn cách có gì khác?
Khi có ca nhiễm ở khu công nghiệp Bắc Giang, chúng tôi phải rà soát, nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân. Và cuối cùng đi đến quyết định áp dụng mô hình "4 cùng": làm cùng, ở cùng, đi cùng, ăn cùng. Mô hình này không thể áp dụng nóng vội, cũng không phải là mô hình triệt để. Tuy nhiên, nó là phương pháp có thể đảm bảo phòng dịch ở mức cao nhất, tốt nhất.
Nguyên nhân lớn nhất gây ra lây nhiễm là ở chỗ trọ, tức là nơi ở. Khi áp dụng mô hình này, nhân viên sẽ phải ở tại chỗ và thực hiện các biện pháp phòng dịch, từ đó mới dễ khoanh vùng.
Một khu vực dễ lây lan nữa là trên ô tô đưa đón công nhân. Giai đoạn trước 30/4, người dân khá thoải mái do chưa có ca nhiễm trong cộng đồng, các công nhân của nhà máy khác nhau vẫn đi xe chung. Vậy nên nếu có ca nhiễm sẽ liên quan đến rất nhiều công ty.
Ăn cùng cũng vậy. Chỗ ăn thì chỉ có ở trong nhà máy thôi. Tuy nhiên, mọi người thường nay ngồi chỗ này, mai ngồi chỗ khác. Đến khi có ca nhiễm thì truy vết lại càng khó, số lượng các F rất đông. Cho nên chúng tôi đặt ra bài toán là chỗ ngồi ăn cũng phải cố định, chị A ngồi đúng chỗ A, anh B ngồi đúng chỗ anh B.
Chỉ vậy thôi, thì khi truy vết, dập dịch sẽ đơn giản, nhanh, chính xác hơn nhiều. Nó cũng như mô hình giãn cách xã hội thu nhỏ ở trong khu công nghiệp vậy.
Còn kế hoạch mở cửa trở lại thì sao? Thứ hạng ưu tiên sẽ thế nào?
Thường thì chúng tôi phải ưu tiên các công ty lớn thôi. Ở các công ty lớn sẽ phải áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp xúc không cần thiết. Nhìn chung trước mắt mình sẽ phải bảo vệ các công ty lớn trước, bởi công ty nhỏ nếu đóng cửa một vài tuần thì thiệt hại vẫn nhỏ hơn so với công ty lớn.
Vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh phải cố gắng trong tháng 8 năm nay, tiêm xong toàn bộ cho công nhân trong các khu công nghiệp trên cả nước. Ông đánh giá như thế nào về chiến lược này?
Vaccine là yếu tố quan trọng, là công cụ số một để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế rất lớn. Tôi cho rằng chiến dịch này rất cần trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng luôn phải có phương án phòng chống dịch an toàn trong nhà máy.
Việc ưu tiên tiêm vaccine tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp cũng vậy. Bởi đây là khu vực tạo ra giá trị gia tăng, là động lực của nền kinh tế hiện nay.
Đến thời điểm hiện tại thì KCN phải đối mặt với thách thức mới nào?
Thực ra bây giờ mọi nơi đều phải đối mặt với thách thức sản xuất mới, đó là vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh. Bởi vì Bắc Giang chỉ an toàn khi cả nước an toàn. Và cả đất nước chỉ an toàn khi cả thế giới an toàn.
Thế cho nên, các khu công nghiệp vẫn phải sống chung với đại dịch thôi, chờ khi thế giới an toàn. Bởi các khu công nghiệp Bắc Giang là các khu công nghiệp mở, liên quan đến rất nhiều quốc gia khác nữa.
Nhưng đến thời điểm hiện tại thì toàn bộ cán bộ, doanh nghiệp, rồi người lao động cũng đều có kinh nghiệm và kiến thức trong việc phòng và chống dịch rồi. Cho nên bây giờ nếu có ca nhiễm mới xuất hiện, thiệt hại cũng rất nhỏ thôi vì mọi người đều chủ động xử lý được nhanh, gọn và kịp thời.
Bài viết cùng chuyên mục
Lạm phát ảnh hưởng đến các kênh đầu tư như thế nào?
07:57:05 AM 15/03/2022
Chứng khoán Việt vào top có mức sinh lời cao bậc nhất thế giới, dự báo lập đỉnh mới năm 2022
10:46:26 AM 04/01/2022
Thương vụ lịch sử và bước ngoặt tỷ đô của công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam
12:05:11 PM 28/12/2021
Video
Eci Holdings
00:17:40 AM 30/08/2021
Dự án Green Pearl Tuần Châu - Concept by Eci Holdings
14:40:33 PM 07/07/2021
Green Pearl Tuần Châu - Nơi tinh hoa hội tụ | Concept by Eci Holdings
14:39:42 PM 07/07/2021
Góc chuyên gia
-
Định giá cổ phiếu bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền
13:15:31 PM 05/06/2022
-
6 nhóm chỉ số tài chính trong phân tích hoạt động tài chính Doanh nghiệp
12:57:53 PM 22/05/2022
-
Chính sách mới về thuế, kế toán - kiểm toán có hiệu lực tháng 4/2022
08:57:22 AM 29/03/2022
-
Hàng loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 4/2022
09:31:31 AM 28/03/2022
-
Đầu tư chứng khoán căn bản (C7) - Đọc hiểu báo cáo tài chính Doanh nghiệp
22:46:24 PM 22/03/2022